Câu hỏi: Công ty có được quyền chấm dứt hợp đồng lao động (vì hết thời hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng) đối với người lao động nữ trong thời gian nghỉ thai sản không?
Các bước thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Hết hạn hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) là một trong các trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 36.1 của Bộ luật lao động 2012, trừ trường hợp cần gia hạn HĐLĐ đã giao kết cho người lao động (“NLĐ”) là cán bộ công đoàn không chuyên trách còn đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà bị hết hạn HĐLĐ theo Điều 192.6 của Bộ luật lao động 2012.
Hiện nay, pháp luật lao động không có quy định nào loại trừ việc hết hạn HĐLĐ của những NLĐ đang có thai, nghỉ thai sản hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Nếu NLĐ nữ này không phải là cán bộ công đoàn không chuyên trách và NLĐ đang trong thời gian nghỉ thai sản mà HĐLĐ đã ký kết là loại HĐLĐ có xác định thời hạn với thời hạn 12 tháng và bị hết hạn mà một trong hai bên hoặc cả hai bên không có nhu cầu kéo dài thời gian làm việc tiếp tục của NLĐ cho NSDLĐ nữa thì HĐLĐ đã giao kết sẽ đương nhiên chấm dứt.
2. NSDLĐ cần thực hiện các yêu cầu mà pháp luật quy định liên quan đến việc chấm dứt HĐLĐ này để đảm bảo tuân thủ pháp luật đầy đủ.Cụ thể là, trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản cho NLĐ biết về thời điểm chấm dứt HĐLĐ theo Điều 47.1 của Bộ luật lao động 2012. Thủ tuc thông báo này của NSDLĐ cũng để minh thị rằng NSDLĐ HĐLĐ sẽ chấm dứt vì hết thời hạn và NSDLĐ không còn nhu cầu sử dụng lao động nữa.
3. Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên sẽ cần thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ nếu NSDLĐ hoặc NSDLĐ gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm theo Điều 47.2 của Bộ luật lao động 2012 và Điều 14.5(b) của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015.