Câu hỏi: Công ty tôi muốn áp dụng xử lý kỷ luật: người lao động nghỉ 1 ngày không phép sẽ bị khiển trách bằng 1 biên bản cảnh cáo ( Biên bản cảnh cáo là hình thức kỷ luật khiển trách bằng văn bản), tiếp tục tái phạm nghỉ không phép thêm 1 ngày nữa trong tháng thì sẽ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, tiếp tục tái phạm nghỉ không phép lần 3 trong tháng sẽ bị xử lý kỷ luật sa thải. Nếu làm như vậy có đảm bảo tuân thủ pháp luật không?
Khi người lao động vi phạm 1 lỗi và đã bị xử lý bằng 1 hình thức xử lý kỷ luật rồi, nhưng vẫn trong thời hiệu của hình thức xử lý này, người lao động lại mắc thêm 1 lỗi khác (không phải tái phạm lỗi cũ) thì hình thức xử lý kỷ luật sẽ như thế nào? có được cộng dồn 2 lỗi này để xử lý với hình thức cao hơn không?
Trả lời:
1. Việc xử lý kỷ luật lao động được đặt ra khi người lao động vi phạm các quy định về thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong Nội quy lao động (NQLĐ) của công ty. Pháp luật lao động hiện hành quy định có 3 hình thức xử lý kỷ luật: (i) khiển trách; (ii) kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức; (iii) sa thải. Tuy nhiên hiện nay pháp luật lao động không có quy định cụ thể các trường hợp vi phạm và hình thức kỷ luật tương ứng đối với hình thức kỷ luật (i) và (ii). Việc quy định cụ thể các hành vi vi phạm kỷ luật lao động và các hình thức xử lý kỷ luật tương ương sẽ được Người sử dụng lao động quyết định trong NQLĐ của mình (Điểm đ khoản 2 Điều 119 BLLĐ 2012).
Như vậy, nếu công ty của bạn đã ban hành NQLĐ quy định rằng: Người lao động bị kỷ luật khiển trách bằng văn bản nếu nghỉ 1 ngày không phép, nếu tiếp tục tái phạm việc nghỉ 1 ngày không phép (được xem là tái phạm nếu tiếp tục vi phạm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bị áp dụng hình thức khiển trách bằng văn bản) sẽ bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương và khi người lao động tiếp tục tái phạm nghỉ 1 ngày không phép sau khi đã bị kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương (được xem là tái phạm nếu tiếp tục vi phạm trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương) thì công ty của bạn được quyền áp dụng Khoản 2 Điều 126 BLLĐ 2012 để xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động.
Từ sự phân tích trên đây, ta thấy rằng công ty của bạn được quyền sa thải trong trường hợp này nếu NQLĐ của công ty của bạn đã quy định các trường hợp bị xử lý kỷ luật như nêu trên. Lưu ý, việc xử lý kỷ luật phải tuân thủ quy trình theo luật định và cần xem xét các trường hợp không được hoặc không xử lý kỷ luật lao động như quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 123 BLLĐ 2012.
2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động là không áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm (K2 Điều 123 BLLĐ) và khi người lao động có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất (K3 Điều 123 BLLĐ 2012). Do vậy, công ty của bạn không được dồn 2 vi phạm của Người lao động để áp dụng 1 hình thức kỷ luật cao hơn.