Câu hỏi: Có thể sa thải giám sát bán hàng có hành vi làm dụng quyền hạn, câu kết với nhân sự khác ăn chia hoa hồng của khách hàng. Thực hiện công việc giám sát bán hàng không tốt để khách hàng phàn nàn, khiếu nại về thái độ làm việc.
Đây là dạng câu hỏi mà Luật sư Lao động thường xuyên nhận được từ các doanh nghiệp có kênh bán hàng đối với các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Trả lời:
Trước tiên, để thực hiện việc sa thải một nhân viên nào đó, Công ty cần phải thỏa mãn 3 yêu cầu sau (i) có căn cứ pháp luật; (ii) việc ra quyết định sa thải phải nằm trong thời hiệu được luật quy định; và (iii) việc sa thải cần phải thực hiện đúng trình tự pháp luật quy định.
(i) Có căn cứ pháp luật. Tức là hành vi vi phạm của người lao động phải được quy định trong nội quy lao động. Công ty bị cấm xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
Ngoài ra, mặc dù nội quy lao động của công ty đã đăng ký và được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương xác nhận đã hợp lệ, hoặc thậm chí là “đã phù hợp với pháp luật” nhưng trong quá trình xét xử, tòa án đánh giá và có quan điểm khác thì quyết định phán xử cuối cùng vẫn thuộc về cơ quan tài phán. Do vậy, công ty cần nhìn nhận vấn đề kỷ luật lao động một cách chặt chẽ theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật Lao động. Cụ thể là:
Luật hiện hành chỉ cho phép NSDLĐ xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ dưới hình thức sa thải trong các trường hợp sau:
- NLĐ trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ;
- NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; và
- NLĐ tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong vòng 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong vòng 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng
Như vậy căn cứ vào vụ việc cụ thể của người lao động là giám sát bán hàng này, chúng ta cần phân tích 2 hành vi nêu trên của người này để xác định:
- Hành vi làm dụng quyền hạn, câu kết với nhân sự khác ăn chia hoa hồng của khách hàng, có thể thuộc trường hợp nào trên đây? Trong trường hợp hành vi vi phạm này của giám sát bán hàng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của công ty và trong Nội quy lao động có hiệu lực tại thời điểm xảy ra vi phạm có quy định về tình huống này một cách rõ ràng, cụ thể thiệt hai bao nhiêu tiền thì được xem là nghiêm trọng. Cũng cần lưu ý rằng, công ty cần phải chứng minh về việc có thiệt hại thực tế xảy ra xuất phát từ hành vi vi phạm của người lao động. Lúc đó Công ty có thể có căn cứ để xử lý hành vi vi phạm này của nhân viên giám sát bán hàng.
- Thực hiện công việc giám sát bán hàng không tốt để khách hàng phàn nàn, khiếu nại về thái độ làm việc. Đối với hành vi này công ty khó mà có thể chứng minh nhân viên giám sát bán hàng của mình có vi phạm nội quy lao động hay không bởi vì việc phàn nàn, khiếu nại của khách hàng có thể là chủ quan từ phía khách hàng. Công ty chỉ có thể xử lý kỷ luật lao động với nhân viên giám sát nếu như việc phàn nàn, khiếu nại của khách hàng bắt nguồn từ hành vi vi phạm một quy định cụ thể của công ty.
Nói tóm lại, đối với yêu cầu có căn cứ pháp luật, công ty cần phải rất cẩn thận thu thập bằng chứng, xem xét quy định cụ thể trong nội quy lao động với hành vi thực tế của người lao động để xác định là có căn cứ pháp luật để xử lý kỷ luật lao động.
Đối với yêu cầu (ii) về thời hiệu xử lý kỷ luật và quy trình thủ tục xử lý kỷ luật sa thải, công ty cần lưu ý tuân thủ pháp luật để việc sa thải người lao động được hợp pháp.
Tóm lại, việc sa thải nhân viên giám sát bán hàng với hành vi làm dụng quyền hạn, câu kết với nhân sự khác ăn chia hoa hồng của khách hàng chỉ nên thực hiện khi nội quy lao động đã quy định rõ ràng đây là một hình thức vi phạm phải nhận hình thức kỷ luật sa thải.
Luatsulaodong.net