Câu hỏi: Công ty có tuyển một số người lao động làm việc Part-time (làm thêm, làm bán thời gian) cho công ty trong 10 năm (2001- 2011) công ty có đóng thuế thu nhập cá nhân cho người lao động nhưng không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vậy khi người lao động thôi việc công ty có phải trả trợ cấp thôi việc không.
Trả lời: Dù làm việc part-time (làm thêm, làm bán thời gian) hay full-time (làm việc toàn thời gian) đều được xem là đang làm việc cho người sử dụng lao động. Hiện nay, Bộ luật lao động không quy định số giờ làm việc tối thiểu mà chỉ giới hạn ở số giờ làm việc tối đa để đảm bảo nguyên tắc tái tạo sức lao động.
Theo Điều 14.3.c, Nghị định 05/2015/NĐ-CP thời gian để tính hưởng trợ cấp thôi việc được tính theo đơn vị là “năm” (đủ 12 tháng), chứ không tính theo giờ. Do vậy, việc làm bán thời gian hay toàn thời gian là do sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động và nó cũng không làm hạn chế quyền được hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động theo quy định của luật.
Điều 48.2, Bộ luật Lao động 2012 quy định rằng “thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.” Trong trường hợp của bạn, thời gian người lao động làm part-time bao gồm cả thời gian trước khi quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc có hiệu lực (trước ngày 01/01/2009 – Điều 140.1, Luật Bảo hiểm Xã hội 2006).
Điều 39.3, Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định thời gian người lao động thực tế làm việc theo các hợp đồng lao động mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc. Do đó toàn bộ khoảng thời gian part-time của người lao động từ 2001 đến năm 2011 được xem là thời gian người lao động làm việc để tính hưởng trợ cấp thôi việc.