1. Các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp đối với người lao động là thành viên ban chấp hành công đoàn cơ sở
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án
- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật
2. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc: Người lao động làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên
3. Mức hưởng: mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
4. Cách tính thời gian hưởng trợ cấp thôi việc
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (-) thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật (-) thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (nếu có).
Trong đó:
- Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.
- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.
5. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc: là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
6. Thời gian chi trả trợ cấp thôi việc
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp thôi việc cho người lao động. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;
- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo quy định của pháp luật
6. Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc: được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.