Không được trả lương đúng hạn và đầy đủ-phải làm gì? Thực trạng, nhiều công ty đã không thực hiện việc trả lương cho người lao động vì nhiều lý do trong đó phải kể đến việc muốn giữ tiền lương để giữ người lao động làm việc lâu dài cho mình. Dù lý do gì thì việc giữ tiền lương của người lao động là trái pháp luật.
NLĐ “bán” sức lao động của mình cũng chỉ để mong nhận được tiền lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động với công ty. Đây là quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp của NLĐ đã được Hiến pháp năm 2013 thừa nhận tại Điều 32. Quyền này được cụ thể hóa ở Điều 5 của Bộ luật lao động năm. Theo đó, NLĐ có quyền được nhận lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với Người sử dung lao động (NSDLĐ) theo Hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã ký kết. Vì vậy, Người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vấn đề trả lương đã được luật quy định rất nghiêm, tuy nhiên thực tế hiện nay rất nhiều công ty không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ này. Điển hình ở các hành vi như không trả lương cho những ngày NLĐ thử việc, trì hoãn và không trả lương khi chấm dứt hợp đồng lao động, không trả lương làm thêm giờ…vv.
Bài viết dưới đây sẽ tập trung đưa ra giải pháp giúp NLĐ bảo vệ quyền lợi của mình khi Công ty (NSDLĐ ) không thực hiện nghĩa vụ trả lương cho NLĐ theo HĐLĐ.
1. Quyền nhận lương trong bất kỳ trường hợp nào
Bộ luật Lao động hiện hành bảo vệ tiền lương của người lao động trong bất kỳ trường hợp nào. Điều này có nghĩa là dù người lao động chấm dứt hợp đồng trái luật, bị người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hay thậm chí là bị sa thải nhưng quyền được nhận lương trong những ngày đã làm việc là bất khả xâm phạm. Cụ thể như sau:
a. NSDLĐ phải trả lương cho NLĐ trong thời gian thử việc
Theo quy định tại Điều 28 của BLLĐ 2012, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Lưu ý là trong quá trình thử việc, NLĐ hoặc NSDLĐ có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc giữa các bên và NSDLĐ phải có nghĩa vụ trả tiền công cho NLĐ đối với những ngày mà NLĐ đã làm việc trước đó. Do vậy, nếu trong thời gian thử việc, người sử dụng lao động không chi trả lương cho người lao động là trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
b. NLĐ được nhận trong thời gian người lao động làm việc theo HĐLĐ đã ký kết
NSDLĐ phải có nghĩa vụ chi trả đủ tiền lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) cho NLĐ theo đúng thời hạn mà hai bên đã thỏa thuận trong HĐLĐ hoặc phù hợp với thời hạn do NSĐLĐ quy định nhưng không trái pháp luật. Hiện nay, theo quy định tại Điều 96 của BLLĐ 2012, việc trả lương cho NLĐ phải tuân thủ nguyên tắc trả đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và NSDLĐ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Nếu NSDLĐ trả lương cho NLĐ chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì tiền lãi của khoản tiền lương do NSDLĐ chậm thanh toán cho NLĐ sẽ được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
c. NSDLĐ phải trả lương cho NLĐ cho những ngày đã làm việc trước khi chấm dứt HĐLĐ
NSDLĐ có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của NLĐ như là tiền lương, tiền thưởng, ngày phép năm chưa nghỉ , tiền trợ cấp thôi việc (nếu có) trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
2. Người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ trả lương
a. Vi phạm quy định về trả lương trong thời gian thử việc
Trong trường hợp NSDLĐ trả lương cho NLĐ trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó thì NSDLĐ có thể bị xử phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Bên cạnh bị xử phạt này, NSDLĐ còn phải trả đủ 100% tiền lương cho NLĐ trong thời gian thử việc.
b. Vi phạm quy định về tiền lương
NSDLĐ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 triệu đến 50 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm khi trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho NLĐ thấp hơn mức quy định; khấu trừ tiền lương của NLĐ trái với quy định; trả không đủ tiền lương ngừng việc.
Ngoài ra, NSDLĐ còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả đủ tiền lương cho NLĐ theo quy định và buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho NLĐ tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm của NSDLĐ.
3. NLĐ làm gì để bảo vệ quyền nhận lương
Để bảo vệ quyền lợi cho mình khi rơi vào các trường hợp nói trên, NLĐ có thể: (i) gửi khiếu nại đến Thanh tra lao động của co quan Nhà nước có thẩm quyên để đề nghị bảo vệ quyền lợi cho mình; hoặc (ii) NLĐ cũng có thể đề nghị Hòa viên lao động thực hiện hòa giải; và (iii)Trường hợp NSDLĐ vẫn không thực hiện trả lương (hòa giải không thành), NLĐ có thể kiện NSDLĐ ra Tòa án đê yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
a. Khiếu nại
NLĐ thực hiện khiếu nại lần 1 NSDLĐ trong thời hạn 180 ngày; khiếu nại lần 2 tới Thanh tra Sở LĐTBXH trong thời hạn 30 ngày. NLĐ nên thực hiện quyền khiếu nại bằng văn bản và có kèm theo các hồ sơ tại liệu liên quan đến vụ việc.
b. Yêu cầu hòa giải viên lao động
NLĐ thực hiện quyền đề nghị hòa giải viên lao động để giải quyết tranh chấp lao động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi của NSDLĐ mà cho rằng quyền, lợi hích hợp pháp của mình bị vi phạm. NLĐ thực hiện quyền yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động bằng văn bản và kèm theo các hồ sơ tài liệu có liên quan.
c. Khởi kiện ra tòa án
NLĐ thực hiện quyền khởi kiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi của NSDLĐ mà cho rằng quyền, lợi hích hợp pháp của mình bị vi phạm. Việc khởi kiện tranh chấp lao động tại tòa án được thực hiện bằng văn bản và theo quy trình tố tụng dân sự.
Chi tiết về giải quyết tranh chấp lao động tại tòa xem tại đây
Luật sư Lao động