Nhiều Công ty vì lý do nào đó không muốn sử dụng người lao động nữa đã sử dụng lý do chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức của Công ty. Trong bài viết này Luật sư Lao động sẽ giúp bạn hiểu về quy định của Luật lao động trong tình huống này.
Theo Điều 44 của Bộ luật Lao động (BLLĐ), Công ty được quyền cho người lao động thôi việc trong trường hợp “thay đổi cơ cấu” khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định sau đây:
Thứ nhất, có sự kiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động. Luật hiện hành không có giải thích về trường hợp thế nào là thay đổi cơ cấu tổ chức, hay tổ chức lại lao động. Thực tiễn áp dụng thì quy định này thường được hiểu là, Công ty thay đổi cơ cấu tổ chức của một (nhiều) phòng, ban. Ví dụ như Công ty việc phải xóa bỏ một phòng ban nào đó mà Công ty cho rằng không còn cần thiế trong sơ đồ tổ chức của Công ty ví dụ như phòng mua hàng, phòng logictist…khi chiến lược quản lý và phát triển của Công ty không cần các phòng ban này.
Thứ hai, nếu việc thay đổi cơ cấu của Công ty ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, Công ty phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 BLLĐ; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Thứ ba, nếu việc thay đổi cơ cấu của Công ty ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, Công ty phải trao đổi tổ chức đại diện tập thể người lao động tại cơ sở (Công đoàn cơ sở) và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh (Sở LĐTBXH) trước khi cho người lao động thôi việc.
Đến đây có một hỏi đặt ra mà nhiều người quản lý nhân sự thường đề cập đến là trường hợp Công ty sử dụng lý do thay đổi cơ cấu để “đuổi” việc một người lao động có được không và quy trình thực hiện như thế nào?
Dẫn chiếu các Điều 44 BLLĐ được hướng dẫn bởi Điều 13 Nghị định 05/2015 và Điều 7 Thông tư 47/2015, luật chỉ đề cập rõ ràng đến trường hợp cho “nhiều người” lao động thôi việc thì Công ty phải thực hiện nghĩa vụ xây dựng phương án sử dụng, trao đổi với công đoàn cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho Sở LĐTBXH mà không đề cập đến trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức để cho “một người” lao động thôi việc. Quan thực hiện hành nghề, Luật sư Lao động nhận thấy rằng cơ quan quản lý lao động và tòa án thường có quan điểm chấp thuận việc sử dụng Điều 44 khi Công ty sử dụng lý do thay đổi cơ cấu tổ chức để cho một người lao động nghỉ việc mà không phải thực hiện các điều kiện thứ hai và thứ ba nêu trên.
Tuy nhiên, xin lưu ý rằng việc Công ty sử dụng lý do này để cho một người lao động nghỉ việc trong một phòng/ban mà có nhiều người thường không được chấp nhận, bởi vì bản chất phòng/ban của người lao động đó vẫn còn, hay nói cách khác bản chất vụ việc Công ty không hề có sự kiện thay đổi cơ cấu tổ chức. Lúc này nhiều câu hỏi bất lợi cho Công ty có thể được đặt ra như là (i) tại sao chỉ cho anh A thôi việc mà không phải là anh B, chị C; (ii) liệu rằng việc cho A thôi việc có phải vì một yếu tố chủ quan nào đó không (?!). Thường thì Công ty sẽ khó đưa ra được một lý do đủ sức thuyết phục cơ quan quản lý lao động và tòa án để biện minh cho quyết định của mình. Thông thường việc cho một người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức chỉ có thể thực hiện khi người lao động này là thành viên duy nhất của một phòng, ban hoặc bộ phận nào đó của Công ty.
Tóm lại việc sử dụng lý do thay đổi cơ cấu tổ chức để cho “nhiều người” hoặc “một người” lao động thôi việc Công ty cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật như nêu ở trên. Đối với trường hợp cho một người lao động thôi việc, Công ty phải chứng minh được việc cho người lao động này nghỉ việc là do thay đổi cơ cấu tổ chức.
Xem thêm về hậu quả pháp lý khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Luật sư Lao động