Lao Động Nữ Mang Thai Có Được Miễn Làm Công Việc Nặng Nhọc

Câu hỏi: Em có 1 tình huống này mong luật sư tư vấn giúp em. Tình huống là: Ông A là quản đốc của 1 xưởg sản xuất. Chị B là công nhân và đang mang thai 5 thág, chị có nhiều thàh tích tốt trog công việc. Công việc chủ yếu là bấm nút điều khiển và thỉnh thoảng phải nhấc 1 số đồ hộp. Bình thườg thì mọi ng đều làm giúp chị A. Một hôm mọi người đều bận, không ai giúp nên cviệc bị ùn tắc. Chị bị khiển trách. Chị gặp ông A nói việc nhấc các hộp nặng sẽ xảy thai đề nghị ôg A chỉ định người khác làm và yêu cầu ông ngăn cấm các công nhân hút thuốc vì nó có hại cho thai nhi. Ông A không bít trả lời như thế nào vì nhà máy không có chính sách này. Tư vấn giúp em: – ông A có nên chỉ định người khác nhấc thùng hộ chị không? – làm thế nào để khuyên chị B nghỉ việc. (Câu hỏi của bạn Dong Hue trên fanpage Luật sư lao động https://www.facebook.com/Lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-Lao-%C4%91%E1%BB%99ng-1870566639876723/)

 Trả lời:

Thân chào bạn Dong Hue,

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho Luật sư Lao động chúng tôi.

Về câu hỏi của bạn, Luật sư Lao động nhận thấy có các vấn đề pháp lý dưới đây bạn cần được tư vấn:

1. Người lao động nữ (chị B) đang mang thai có được miễn làm các công việc nặng nhọc (nhấc các vật nặng trong quá trình lao động)

Lao động nữ (bao gồm lao động nữ đang mang thai) là đối tượng đặc biệt được pháp luật lao động bảo vệ bằng các chính sách lao động riêng. Cụ thể là:

– Không sử dụng lao động nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm 39 công việc được liệt kê trong thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH. Trong đó bao gồm các công việc mang vác nặng trên 20kg. Do thông tin về công việc cụ thể của chị B không được nêu rõ vì vậy bạn nên kiểm tra và đối chiếu danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ đang mang thai trong thông tư 26 kể trên để xác định công việc của chị B có thuộc trường hợp luật cấm sử dụng lao động nữ mang thai không.

– Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây: (i) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; (ii) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

– Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

2. Ông quản đốc A có được quyền khiển trách chị B không.

Việc Ông quản đốc A khiển trách chị B có thể được xem là một hình thức xử lý kỷ luật. Theo Bộ luật lao động trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động. Như vậy việc Ông quản đốc A đưa ra quyết định khiển trách chị B là không phù hợp với pháp luật.

3. Sử dụng thuốc lá tại nơi làm việc

Theo luật phòng chống tác hại của thuốc lá thì nơi làm việc là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá phải đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.

Như vậy chị B có quyền đề nghị ông quản đốc A thực hiện quy định về cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc. Trong trường hợp xưởng sản xuất không thực hiện thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi “Không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, không quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ” như quy định tại Điều 27.2.(c) của Nghị 176/2013/NĐ-CP.

Để khuyên chị B nghỉ việc bạn Dong Hue nên đưa chị B đi gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn về các nguy cơ xẩy thai, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé nếu người mẹ phải làm các công việc nặng nhé.

Luatsulaodong.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button